Việc ngủ trong ô tô bật điều hòa tưởng chừng tiện lợi nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng do thiếu oxy và tích tụ khí độc. Hiểu đúng về cơ chế hoạt động điều hòa sẽ giúp phòng tránh những hậu quả đáng tiếc.
Gần đây, một bài viết chia sẻ trên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm khi đề cập đến tình trạng mệt mỏi, đau đầu do nồng độ CO2 tăng cao khi ngủ trong phòng đóng kín, bật điều hòa.
Hiện tượng này không chỉ khiến nhiều người lo lắng mà còn gợi nhắc đến các vụ việc đau lòng từng xảy ra do ngủ trong ô tô đóng kín cửa, bật điều hòa.
Nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao ngồi trong ô tô kín suốt cả ngày mà không sao, nhưng chỉ cần ngủ trong điều kiện tương tự lại có thể dẫn tới nguy cơ tử vong? Câu trả lời nằm ở chính cơ chế vận hành của hệ thống điều hòa trên ô tô và sự khác biệt giữa trạng thái ngủ và thức.

Trên các dòng xe ô tô hiện nay, hệ thống điều hòa thường có hai chế độ: lấy gió trong và lấy gió ngoài. Ở chế độ lấy gió trong, không khí trong xe được tái tuần hoàn liên tục nhằm làm mát nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn.
Việc tái sử dụng không khí này kéo dài khiến lượng oxy ngày càng giảm, nồng độ CO2 và các chất khí khác tăng cao. Nếu người ngồi trên xe đang tỉnh táo, cảm giác ngột ngạt, mệt mỏi sẽ buộc họ có phản xạ tự nhiên như bật chế độ lấy gió ngoài, hé cửa kính hoặc bước ra ngoài hít thở. Chính phản ứng tự vệ đó giúp cơ thể tránh được nguy hiểm.
Tuy nhiên, trong lúc ngủ, cơ thể con người không còn đủ khả năng nhận biết sự suy giảm chất lượng không khí xung quanh. Khi nồng độ oxy giảm dần, cơ thể lặng lẽ rơi vào trạng thái thiếu dưỡng khí mà không hề có một cảnh báo hay dấu hiệu rõ ràng. Cuối cùng, hệ quả có thể là hôn mê và tử vong.
Dù nhiều mẫu xe hiện đại có trang bị tính năng tự động chuyển đổi giữa hai chế độ lấy gió nhằm tránh tình trạng thiếu oxy kéo dài, thì nguy cơ vẫn còn đó nếu xe đỗ lâu một chỗ.
Bởi khi động cơ hoạt động tại chỗ, lượng khí thải từ ống xả tích tụ quanh xe rất lớn, đặc biệt là khí CO - một loại khí không màu, không mùi nhưng có khả năng gây ngạt rất nhanh. Lúc này, dù xe chuyển sang chế độ lấy gió ngoài thì lượng oxy thu được cũng không đáng kể, thậm chí còn hút thêm khí độc vào khoang lái.
Một mối nguy khác là khi xe bật điều hòa trong thời gian dài ở trạng thái đỗ, động cơ dễ bị quá nhiệt, nhất là vào mùa hè. Nếu hệ thống làm mát không đủ hiệu quả, điều hòa sẽ dừng hoạt động, kéo theo việc không khí bên trong không còn được lưu thông. Khi đó, việc thiếu dưỡng khí xảy ra là điều tất yếu.

Mặc dù vậy, nhu cầu ngủ trong ô tô không phải hiếm gặp, nhất là khi nhà bị cắt điện trong những ngày hè oi bức hoặc khi người lái xe quá mệt mỏi sau một hành trình dài.Vấn đề đặt ra không phải là cấm tuyệt đối, mà là cần ngủ trong xe một cách an toàn và có kiểm soát.
Để làm được điều đó, trước tiên người sử dụng ô tô nên chọn nơi đỗ xe thông thoáng, râm mát, tránh các khu vực nhiều khói bụi hoặc kín gió khiến khí thải không thể tản ra ngoài.
Tiếp đó, trong trường hợp buộc phải bật điều hòa, hãy hé cửa kính từ 1,5 đến 2,5 cm để tạo điều kiện lưu thông không khí, giúp bổ sung oxy và giảm thiểu khí CO2 tích tụ.
Một mẹo đơn giản nhưng rất hữu ích nữa là cài đặt chuông báo thức theo chu kỳ 15-30-45-60 phút. Cách này giúp người ngủ trên xe không bị mê ngủ quá lâu, đồng thời nhắc nhở bản thân kiểm tra tình trạng xe và không khí trong xe thường xuyên.