Trong quá trình sử dụng ô tô, nhiều tài xế có thói quen chủ quan khi đèn cảnh báo sáng lên trên bảng đồng hồ.
Tuy nhiên, những tín hiệu này không đơn thuần mang tính thông báo, mà là “lời cầu cứu” từ chính chiếc xe. Việc bỏ qua hoặc xử lý chậm có thể dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và chi phí sửa chữa.
Cảnh báo phanh tay: Không chỉ là sơ suất

Biểu tượng: Chữ "P" trong vòng tròn hoặc hình bàn đạp phanh.
Nguyên nhân: Đèn bật sáng khi người lái quên hạ phanh tay – lỗi thường gặp ở người mới. Nếu phanh đã hạ nhưng đèn vẫn sáng, có thể do thiếu dầu phanh hoặc cảm biến gặp lỗi.
Cách xử lý: Kiểm tra phanh tay và mức dầu phanh ngay lập tức. Nếu vẫn sáng, ngừng vận hành xe và đưa đến gara để kiểm tra hệ thống phanh. Phanh là bộ phận trực tiếp liên quan đến an toàn, tuyệt đối không được chủ quan.
Đèn cảnh báo động cơ: Dấu hiệu hệ thống đang “kiệt sức”

Biểu tượng: Hình động cơ hoặc cờ-lê.
Nguyên nhân: Có thể do lỗi ở bugi, cảm biến khí nạp, dây cao áp hoặc các bộ phận đánh lửa.
Cách xử lý: Dừng xe và mở nắp capo kiểm tra sơ bộ. Sau đó, cần nhanh chóng đưa xe tới trung tâm kỹ thuật để chẩn đoán chính xác. Đèn sáng liên tục thường báo lỗi nghiêm trọng hơn đèn nhấp nháy.
Áp suất dầu động cơ: Dầu không đủ, xe có thể “đột quỵ”

Biểu tượng: Hình giọt dầu hoặc bình chứa.
Nguyên nhân: Thay dầu không đúng hạn, dùng sai loại dầu, lọc dầu bẩn hoặc bơm dầu hỏng.
Cách xử lý: Kiểm tra mức và chất lượng dầu động cơ. Dầu kém có thể khiến các chi tiết ma sát mạnh, dẫn tới tăng nhiệt, hao mòn nhanh và hư hại động cơ.
Nhiệt độ nước làm mát: Khi động cơ “lên cơn sốt”

Biểu tượng: Hình nhiệt kế trong nước.
Nguyên nhân: Két nước rò rỉ, quạt làm mát hỏng hoặc thiếu nước làm mát.
Cách xử lý: Tắt máy, đợi nguội rồi kiểm tra két nước, quạt tản nhiệt và mực nước làm mát. Tuyệt đối không đổ nước lạnh vào động cơ đang nóng để tránh nứt vỡ linh kiện.
Đèn cảnh báo ắc-quy: Dấu hiệu hệ thống điện gặp vấn đề

Biểu tượng: Hình ắc-quy hoặc dấu +/-.
Nguyên nhân: Cáp nối hỏng, bộ sạc lỗi hoặc ắc-quy yếu.
Cách xử lý: Tắt các thiết bị không cần thiết như đèn, điều hòa, hệ thống giải trí. Sau đó kiểm tra hoặc thay ắc-quy, tránh để xe chết máy giữa đường.
Cảnh báo túi khí: Mất "phao cứu sinh" khi tai nạn

Biểu tượng: Hình người với túi khí bung phía trước.
Nguyên nhân: Lỗi cáp túi khí, cảm biến hoặc hệ thống điều khiển.
Cách xử lý: Đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng có chuyên môn.Đèn túi khí sáng nghĩa là hệ thống có thể không kích hoạt khi va chạm, gây nguy hiểm lớn cho người ngồi trong xe.
Cảnh báo hệ thống ABS: Giảm hiệu quả phanh khẩn cấp

Biểu tượng: Chữ “ABS” trong vòng tròn.
Nguyên nhân: Hệ thống chống bó cứng phanh không hoạt động, thường do lỗi cảm biến hoặc bộ điều khiển.
Cách xử lý: Mặc dù phanh thường vẫn dùng được, nhưng việc mất ABS rất nguy hiểm trong điều kiện trơn trượt hoặc khi phanh gấp. Cần kiểm tra sớm để đảm bảo khả năng kiểm soát xe.
Cảnh báo áp suất lốp: Cảnh báo trước khi xảy ra nổ

Biểu tượng: Hình lốp xe kèm dấu chấm than.
Nguyên nhân: Áp suất một hoặc nhiều lốp thấp hơn mức tiêu chuẩn.
Cách xử lý: Dừng xe kiểm tra ngay bằng đồng hồ đo. Nên mang theo bơm điện tử và bộ vá lốp để chủ động xử lý khi cần. Lái xe với lốp non dễ gây mòn méo, thậm chí nổ lốp ở tốc độ cao.
Cảnh báo lỗi hệ thống trợ lực lái: Vô lăng nặng bất thường

Biểu tượng: Hình vô lăng hoặc chữ EPS.
Nguyên nhân: Với hệ thống trợ lực dầu, có thể thiếu dầu. Với trợ lực điện, có thể lỗi cảm biến hoặc bộ điều khiển.
Cách xử lý: Với trợ lực dầu, kiểm tra và bổ sung dầu nếu cần. Với trợ lực điện, nên đưa xe đến gara vì hệ thống này cần thiết bị chuyên dụng để kiểm tra. Tuyệt đối không cố lái khi vô lăng quá nặng.
Mức nhiên liệu thấp: Đừng để xe “hết hơi”

Biểu tượng: Hình bình xăng.
Nguyên nhân: Mức nhiên liệu xuống dưới khoảng 5–10% dung tích bình.
Cách xử lý: Tiếp nhiên liệu sớm nhất có thể. Cạn xăng không chỉ khiến xe dừng đột ngột mà còn gây hại cho bơm nhiên liệu – vốn cần được làm mát bằng chính xăng trong bình.
Cảnh báo hộp số: Đừng để lỗi nhỏ thành chi phí lớn

Biểu tượng: Chữ AT, hình bánh răng hoặc dấu chấm than.
Nguyên nhân: Hộp số tự động gặp trục trặc – có thể là lỗi điều khiển, rò rỉ dầu hoặc mòn cơ khí.
Cách xử lý: Di chuyển xe ở chế độ an toàn nếu cần thiết (limp home mode), sau đó đưa ngay đến gara. Lỗi nhỏ nếu không xử lý sớm có thể khiến hộp số hư hỏng hoàn toàn – chi phí thay thế cực kỳ tốn kém.
Hệ thống đèn cảnh báo không phải để trang trí. Chúng là ngôn ngữ giao tiếp giữa phương tiện và người điều khiển, phát tín hiệu khi xe gặp vấn đề. Trang bị kiến thức cơ bản về các loại đèn báo không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ xe mà quan trọng hơn – bảo vệ an toàn cho chính tài xế và hành khách.